Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Chi Lăng Bắc - Huyện Thanh Miện

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử Đất và người xã Chi Lăng Bắc Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

​​​​Chi Lăng Bắc nằm ở phía Tây - Nam của huyện Thanh Miện cách Thị trấn Thanh Miện 6 Km. Có chiều dài từ Đông sang Tây khoảng 3 km. Chiều rộng chạy từ Bắc xuống Nam khoảng 1,5 km. Phía Bắc giáp xã Tứ Cường, xã Cao Thắng, phía Nam giáp xã Chi Lăng Nam. Phía Đông giáp xã Ngũ Hùng, phía Tây giáp dòng sông Cửu An, chạy dọc theo hướng Bắc - Nam giáp xã Quang Hưng huyện Phú Cừ, tỉnh Hưng Yên. Xã Chi Lăng Bắc có 3 thôn: Phương khê, Tào khê, Phú khê. Có diện tích tự nhiên là 550,51 ha; nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp. Tính đến tháng 01/2024, toàn xã có 2.656 hộ, với  8.726 nhân khẩu được phân bổ không đều ở 3 thôn với 55 dòng họ  sống quây quần bên nhau

Chi Lăng Bắc ngày xưa thuộc Tổng Phú Mễ gồm 8 xã: Phú Mễ, Phạm Khê, Yên Nghiệp, Cao Lý, Phương Khê, Tào Khê, Gia Cốc và xóm Sắn là Phú Khê ngày nay. Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, đầu năm 1946 theo chủ trương mới các xã trước đây được đổi thành thôn, sát nhập Phương Khê, Tào Khê, Phú Khê lấy tên mới là xã Lam Long. Tháng 7 năm 1948 theo Quyết định của cấp trên 2 xã Lam Long và Quyết Chiến sáp nhập lấy tên là xã Chi Lăng. Đến tháng 5/1955 xã Chi Lăng lại được tách thành 2 xã: xã Chi Lăng và xã Hòa Bình ( Chi Lăng Nam). Ngày 14/4/1958 theo ĐQ số: 54-TCCP xã được đổi tên là xã Chi Lăng Bắc  tên gọi cho đến nay.

Truyền thống cách mạng của Đảng và nhân dân trong xã trước cách mạng tháng 8/1945

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Mặt trận Việt Minh huyện cùng các đ/c trong đó có đ/c Ngô Văn Thước và những thanh niên tiêu biểu chỉ đạo Đoàn thanh niên cứu quốc, Hội phụ nữ, Hội nông dân của xã nhanh chóng được thành lập và phát triển. Với sức mạnh tổng hợp của toàn thể nhân dân trong xã đã rầm rộ tiến vào thôn An Phương Dương cướp kho thóc của Nhật, sau đó cướp tiếp 2 thuyền thóc trên sông Cửu An, lấy lại trên 30 tấn thóc chia cho dân nghèo. Do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng cần phải có chính Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Chi bộ Đảng Lam Long được thành lập ngày 12/7/1947 gồm 9 đồng chí đảng viên do đồng chí Ngô Văn Thước làm Bí thư Chi bộ. Ngay sau khi ra đời, Chi bộ Đảng Lam Long đã kịp thời ra Nghị quyết lãnh đạo, thực hiện các chủ trương của Đảng: Củng cố tổ chức chính quyền và các đoàn thể nhân dân, phong trào diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm, phong trào bình dân học vụ. Quán triệt tinh thần trường kỳ kháng chiến, chăm lo đời sống văn hoá và sức khoẻ của nhân dân.

Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng trên mọi lĩnh vực chính trị -  kinh tế; An ninh – Quân sự; văn hoá - xã hội đã thu được những thành tựu  đáng khích lệ. Đảng bộ và nhân dân xã Chi Lăng Bắc đã có 352 đồng chí tham gia dân quân, du kích 604 người, số tham gia bạch đầu quân 215 cụ, số người đi dân công, tải thương, tải đạn, vận chuyển vũ khí là 113 người. Đóng góp 3.222 tấn thóc thuế nông nghiệp và trên 500 tấn thực phẩm. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vinh dự và tự hào xã Chi Lăng Bắc đã được Đảng, nhà nước tặng thưởng: 1 huân chương kháng chiến hạng 2 và 299 huân, huy chương các hạng cho cán bộ và dân quân, du kích.  Qua 9 năm kháng chiến chống Pháp xã Chi Lăng Bắc được tôn vinh là xã có tinh thần đánh giặc giỏi, thế trận lòng dân, nuôi dấu, bảo vệ cơ quan của tỉnh, huyện và một số xã bạn kể cả huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên. Được ghi nhận phản ánh trong bộ phim “Hải Dương quê tôi".

    Dưới sự chỉ đạo của BCH huyện uỷ Thanh Miện tháng 7/1961  có Quyết định thành Đảng bộ xã Chi Lăng Bắc do đồng chí Vũ Văn Giản làm Bí thư BCH Đảng bộ. Bằng sự nhận thức tư duy sáng tạo, Đảng bộ đã xác định phương hướng nhiệm vụ đề ra biện pháp tổ chức thực hiện. Trong Đảng bộ tập trung xây dựng chi bộ “4 tốt", đồng thời lãnh đạo nhân dân, đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ phát triển kinh tế. Từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa các giống lúa có năng xuất cao như: Mộc tuyền, bao thai lùn, nông nghiệp 1, thay cho các giống có năng xuất thấp như. Các phong trào “nghiêng đồng đổ nước ra sông" “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa", khai mương đào máng, khoanh vùng, chăn nuôi, trồng trọt, phấn đấu đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Trong lúc Đảng bộ và nhân dân ta đang nô lức thi đua quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thì đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào xâm lược Miền Nam và leo thang đánh phá miền Bắc. Đảng bộ lãnh đạo toàn dân Chi Lăng Bắc cùng quân, dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Chi Lăng Bắc dấy lên các phong trào “thanh niên 3 sẵn sàng – phụ nữ 3 đảm đang". Các cụ phụ lão “ba giỏi" ngành giáo dục “hai tốt", dân quân tự vệ “hai giỏi", các cháu thiếu niên, nhi đồng “làm ngàn việc tốt". Mỗi xóm, mỗi thôn, mỗi cụm dân cư thực sự là một pháo đài đánh Mỹ, lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân giết giặc. Nhiều nữ thanh niên tình nguyện đi thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến. Trên mặt trận sản xuất có phong trào “gió đại phong, sóng duyên hải", ba ngọn “cờ hồng", 5 tấn thóc, hai con lợn/ ha, “thóc thịt thừa cân – tuyển quân vượt mức" “phụ nữ xuống đồng, thay chồng tòng quân". Hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân xã Chi Lăng Bắc đã có 1079 đồng chí lên đường nhập ngũ, 172 người đi dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong, trong đó có 52 nữ. Bình quân đầu người đóng góp lương thực từ 110 – 115 kg thóc/năm. Được nhà nước tặng thưởng tập thể một huân chương kháng chiến hạng hai, ba huân chương lao động hạng ba, cá nhân được tặng 817 huân, huy chương các loại, 300 bằng khen cho hộ gia đình. Có 8 bà mẹ được phong tặng bà “Mẹ Việt Nam anh hùng". Có 125 đồng chí thương, bệnh binh, có 130 đồng chí là liệt sỹ. Đảng bộ 8 năm liền từ 1967 – 1974 đạt Đảng bộ “bốn tốt", phụ nữ đạt danh hiệu “phụ nữ ba đảm đang". Phong trào làm thuỷ lợi  dẫn đầu tỉnh, được bộ thuỷ lợi tặng cờ, Bác Hồ tặng bằng khen, được báo cáo điển hình toàn Quốc về tứ công tứ khoán. Những thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là chiến dịch “Hồ Chí Minh" lịch sử. Miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng tổ Quốc đã thống nhất, mở ra một kỷ nguyên mới cho cách mạng Việt Nam. Kỷ nguyên thống nhất, độc lập cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với những thành tích ấy ngày 15/8/2003 Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 522/2013/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu xã Chi Lăng Bắc “ Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân"

 

Đảng bộ xã Chi Lăng Bắc lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và công tác xây dựng Đảng (giai đoạn 1975 đến nay)

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quân và dân xã Chi Lăng Bắc luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được nâng lên.  Năm 1988 khởi công xây dựng hệ thống l­ưới điện hạ thế - đến nay xã đã có 10 Trạm biến áp đảm bảo cho sinh hoạt, hoạt  động SXKD điện cao áp thắp sáng từng đường làng, ngõ xóm. Năm 1993 giải đá cấp phối đư­ờng trục xã; Năm 2003 xã tiếp nhận dự án WB2 dải nhựa đư­ờng trục xã và tiếp nhận đường làng nghề: (Tổng 4,2 km);  Năm 2006: Bê tông hóa giao thông đường làng nghề; Từ năm 2020 nâng cấp, mở rộng đường xã rộng 9m trở lên, đường thôn rộng 5m trở lên, đường xóm rộng 3m trở lên. Xã đã đạt 100% bê tông hóa từng bước thực hiện tiêu chí đường giao thông theo tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Năm 1997 khởi công xây dựng tr­ường cấp 2 kiên cố cao tầng và xây dựng nhà mẫu giáo Phư­ơng Khê; Năm 2002 khởi công xây dựng 2 tr­ường mầm non Tào Khê và Phú Khê kiên cố cao tầng; Năm 2004, 2005 xây dựng Trường Tiểu học kiên cố cao tầng; năm 2009 xây dựng Trường Mầm non tập trung kiên cố đảm bảo chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; Năm 2018 xây dựng Trường THCS kiên cố cao tầng đáp ứng cơ sở vật chất day và học theo tiêu chí Trường chuẩn Quốc gia. Năm 1994 xây dựng trạm y tế xã kiên cố; Năm 2016 Xây dựng mở rộng Trạm Y tế xã đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Năm 2010: Xây dựng Trụ sở làm việc, các công trình phụ trợ khu công sở; Năm 2015: Xây nhà Văn hóa trung tâm xã. Các công trình ở 3 thôn đã hoàn thiện 100% bê tông hóa giao thông nông thôn, 70% bê tông hóa trục đường chính giao thông nội đồng; hoàn thiện nhà văn hóa, các thiết chế văn hóa ở  các thôn; Năm 2022- 2023 XHH xây dựng 07 sân thể thao ngoài trời ( Phương khê 02; Tào khê 02; Phú khê 03 và XHH nắp đặt các dụng cụ thể thao ngoài trời đáp ứng cho việc vui chơi, tập luyện; tu sửa, xây mới các cơ sở tôn giáo;tín ngưỡng; năm 2014-2015  hoàn thiện đề án dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng.

* Về phát triển kinh tế:  Với truyền thống cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, mở rộng địa bàn trong và ngoài tỉnh của các tầng lớp nhân dân xã nhà. Do vậy tổng sản phẩm xã hội năm 2023 đạt 620,471 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm. Tháng 12/2023 xã đã được công nhận 01 sản phẩm OCOP Đặc sản Mỳ gạo Tâm Loan thuộc cơ sở sản xuất Bánh đa Vũ Đức Tâm- thôn Tào khê.

* Về văn hoá - xã hội:  Xây dựng thành công LVH Phú khê 2004; Phương khê 2007; Tào khê 2009 đến nay duy trì giữ vững 3/3 làng văn hoá, tỷ lệ gia đình văn hoá hàng năm đạt trên 90%. Chất lượng giáo dục ngày càng được Đảng, chính quyền địa phương quan tâm ; đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm các thiết bị dạy và học 3 nhà trường đáp ứng đảm bảo. Năm 2013, 2014 được UBND tỉnh công nhận 2 trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 (Trường Tiểu học và Trường Mầm non). Năm 2021 UBND tỉnh công nhận Trường THCS đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Năm 2016 được UBND tỉnh Hải Dương công nhận xã đạt tiêu chí Quốc gia về Y tế . Năm 2011, Đình làng Tào Khê được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử Văn hóa; năm 2014, Đình làng Phương Khê được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển mạnh, hàng năm tổ chức nhiều giải cấp xã và tham gia giải cấp huyện đạt thành tích cao.

Năm 2018 xã đạt NTM và đến nay đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao.

* Về An ninh – Quân sự: Giữ vững và ổn định an ninh chính trị, TTAT xã hội và an toàn giao thông

Hàng năm luôn hoàn thành suất sắc nhiệm vụ tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ.

* Về công tác xây dựng Đảng.

Đảng bộ xã Chi Lăng Bắc đã trải qua 36 kỳ Đại hội (Trong đó có 12 kỳ Đại hội chi bộ, 24 kỳ Đại hội Đảng bộ). Qua các kỳ đại hội đã có 18 đồng chí giữ chức vụ Bí thư chi bộ và Đảng bộ xã. Số đảng viên năm 1947 có 9 đồng chí, đến nay Đảng bộ xã có 290 đồng chí đảng viên đang sinh hoạt ở 9 chi bộ.

Về với Chi Lăng Bắc hôm nay chúng ta thấy rất tự hào quê hương đã thay da đổi thịt mang một tầm vóc mới, sức sống mới, diện mạo mới./.